Máu nhiễm mỡ (rối loạn mỡ máu/lipid máu) là tình trạng mất cân bằng giữa các thành phần mỡ trong máu, trong đó là sự gia tăng các thành phần mỡ xấu (LDL-Cholesterol, Triglycerid). Tùy theo mức độ rối loạn lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch mà chỉ sử dụng phương pháp điều chỉnh lối sống hoặc kết hợp cả điều chỉnh lối sống và dùng thuốc.
Mức độ rối loạn mỡ máu
Theo khuyến cáo của ESC/EAC (2011), điều trị rối loạn lipid máu dựa trên đánh giá nguy cơ tim mạch toàn bộ đối với bệnh nhân và việc đánh giá nguy cơ này dựa trên thang điểm SCORE.
Hệ thống này ước lượng nguy cơ trong vòng 10 năm sẽ bị một biến cố xơ vữa mạch máu có thể gây chết người đầu tiên, hoặc là cơn bệnh tim, bị đột quỵ hoặc là một bệnh động mạch tắc nghẽn khác, bao gồm cả chết đột ngột do tim.
Bảng thang điểm SCORE đánh giá dựa vào các yếu tố nguy cơ: tuổi, giới tính, hút thuốc lá, huyết áp tâm thu và cholesterol toàn phần
Nguy cơ rất cao
Khi có 1 trong các yếu tố sau:
- Đã được chẩn đoán bệnh tim mạch bằng các xét nghiệm xâm lấn hoặc không xâm lấn, tiền căn nhồi máu cơ tim, hội chứng vành cấp, tái tưới mạch máu mạch vành hoặc các động mạch khác, đột quỵ thiếu máu não và bệnh lý động mạch ngoại biên.
- Đái tháo đường type 2, ĐTĐ type 1 có tổn thương cơ quan đích (như microalbumin niệu)
- Bệnh thận mạn tính từ trung bình đến nặng (độ lọc cầu thận < 60 mL/phút/1,73 m2.
- Điểm SCORE ≥ 10% cho nguy cơ tử vong trong 10 năm do bệnh tim mạch.
Nguy cơ cao
Khi có một trong các yếu tố sau:
- Những yếu tố nguy cơ riêng lẻ nặng như rối loạn lipid máu gia đình và tăng huyết áp nặng.
- Điểm SCORE ≥ 5% và < 10 % cho nguy cơ tử vong 10 năm do bệnh tim mạch.
Nguy cơ trung bình
- Điểm SCORE ≥ 1% và < 5% cho nguy cơ tử vong trong 10 năm do bệnh tim mạch.
- Nguy cơ này cần được đánh giá thêm các yếu tố như tiền căn gia đình có bệnh tim mạch sớm, béo phì, mức độ hoạt động thể lực, HDL – C, TG, hs – CRP, lipoprotein (a), fibrinogen, homocystein, apo B.
Nguy cơ thấp
- Điểm SCORE < 1% cho nguy cơ tử vong trong 10 năm do bệnh tim mạch.
Chiến lược can thiệp lipid máu
LDL – Cholesterol được coi là mục tiêu điều trị chính trong gần như mọi chiến lược điều trị rối loạn lipid máu.
- Ở những bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị bệnh tim mạch thì mức LDL – Cholesterol mục tiêu là < 1,8 mmol/L (<70 mg/dL) và hoặc LDL – Cholesterol giảm được ≥ 50 % nếu không thể đạt được mục tiêu trên.
- Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch thì mục tiêu điều trị cần đạt được là LDL – Cholesterol <2,5 mmol/L (<100 mg/dL).
- Ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình bị bệnh tim mạch thì cần coi mục tiêu điều trị là LDL – Cholesterol <3,0 mmol/L (< 115 mg/dL).
Phương pháp điều trị mỡ máu
Điều chỉnh lối sống và thay đổi chế độ ăn được coi là lựa chọn đầu tay trong điều trị rối loạn lipid máu. Chế độ ăn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xơ vữa động mạch hoặc gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến các yếu tố trung gian như nồng độ lipid máu, huyết áp hoặc nồng độ glucose máu.
Lượng chất béo trong bữa ăn nên chiếm từ 25% đến 35% tổng năng lượng ăn vào đối với người lớn.
Lượng chất béo ăn vào trên 35% tổng năng lượng thì nguy cơ dư thừa cả lượng acid béo no và năng lượng cho cơ thể, làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu do các acid béo no là yếu tố tác động mạnh nhất gây tăng nồng độ LDL – C trong máu.
Ngược lại, nếu lượng chất béo ăn vào trong bữa ăn dưới 25% tổng năng lượng thì cơ thể có nguy cơ thiếu hụt các vitamin tan trong dầu như vitamin E và các acid béo thiết yếu và giảm nồng độ HDL – C trong máu.
Carbohydrat ăn vào nên chiếm từ 45 – 55% tổng năng lượng. Bữa ăn nên tăng cường lượng chất xơ và lượng đường ăn vào cũng ở mức vừa phải, không nên qúa 10% tổng năng lượng.
Bệnh nhân rối loạn lipid máu nên ăn các loại cá giàu chất béo ít nhất 2 bữa một tuần, không nên uống rượu, ngừng hút thuốc lá và tăng cường hoạt động thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày và tối thiểu là 5 ngày/tuần với các hoạt động vận động vừa phải.