Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch góp phần giúp cho máu được di chuyển trong động mạch tới các mô và cơ quan.
Tăng huyết áp (cao huyết áp) xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), huyết áp bình thường đo ở cánh tay là ≤ 120/80mmHg. Trường hợp có bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc bệnh thận, huyết áp tốt nhất là dưới 130/80 mmHg. Chẩn đoán tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tối đa đạt 140mmHg (huyết áp tâm thu – systolic)/huyết áp tối thiểu 90mmHg (huyết áp tâm trương – diastolic) hoặc cao hơn.
Thông thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng. Ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ…
Biểu hiện thường gặp của tăng huyết áp (huyết áp cao)
Đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Nhiều người khi đi khám một bệnh khác hoặc khám định kỳ mới phát hiện cao huyết áp. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng”.
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp ở người bệnh huyết áp cao khi bệnh đã tiến triển nặng như:
– Đau nhức, nặng đầu hay đau đầu dữ dội: Phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày.
– Hoa mắt chóng mặt, Choáng váng, ù tai.
– Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn, khó đi vào giấc ngủ.
-Tê bì chân tay (tê cứng các chi): Huyết áp tăng cao liên tục không được kiểm soát dẫn đến tê liệt các dây thần kinh trong cơ thể.
– Khó thở, đau tức ngực, đau nhói vùng tim, mệt mỏi
– Hồi hộp, đánh trống ngực
– Đỏ mặt, buồn nôn, nôn
– Suy giảm thị lực.
Bởi vậy, người bệnh huyết áp cao khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây huyết áp cao theo Y học hiện đại
Có nhiều yếu tố thuận lợi làm xuất hiện bệnh tăng huyết áp như:
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh huyết áp cao thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn.
- Tuổi cao: tuổi càng cao thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn vì thế làm cho huyết áp dễ tăng cao.
- Ít vận động thể lực được coi là một nguy cơ của bệnh THA.
- Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức): nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng thần kinh, stress dẫn đến các chất trung gian hóa học là Adrenalin, noradrenalin làm cho động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp.
- Ăn mặn: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối ở người huyết áp cao thì tần suất huyết áp tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi.
- Chế độ ăn ít rau xanh quả tươi, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, chiên rán làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
- Hút thuốc lá, thuốc lào: trong thuốc lá, thuốc lào có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11 mmHg và huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20-30 phút.
- Bệnh tiểu đường (đái tháo đường): Khi có cả huyết áp cao và tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân tăng huyết áp đơn thuần.
- Rối loạn lipid máu: Nồng độ Cholesterol và triglycerid máu cao (mỡ máu cao) là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây tăng huyết áp.
- Thừa cân, béo phì: người béo phì hay người tăng cân theo tuổi (trung niên, cao tuổi) cũng làm huyết áp tăng nhanh.
- Uống nhiều bia, rượu:Đối với những người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thì uống rượu, bia quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp như vậy làm cho bệnh càng nặng hơn.
Tăng huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ tai biến, đột quỵ
Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị tăng huyết áp nếu không được kiểm soát thì nguy cơ bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần, suy tim tăng 6 lần, đột quỵ tăng 7 lần.
Các biến chứng do tăng huyết áp gây ra có thể cấp tính, có thể thầm lặng do đó không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn nguy hiểm đến tính mạng, để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
*Trên não:
-Xuất huyết não: Huyết áp tăng cao đột ngột khiến cho các mạch máu não không chịu nổi áp lực dẫn đến bị vỡ, lúc đó người bệnh bị xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong. Triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết.
-Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não, nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não hay còn gọi là nhũn não.
– Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến người bệnh thấy chóng mặt, hoa mắt, tê bì chân tay, thậm chí bất tỉnh.
*Trên tim mạch:
– Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hỏng lớp nội mạc của mạch vành, các phân tử Cholesterol tỷ trọng thấp dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành, sau đó hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, người bệnh sẽ thấy đau ngực, tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành dẫn đến người bệnh bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Người bệnh sẽ thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, đổ mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, tay trái và sau lưng.
– Suy tim: Khi bị tăng huyết áp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu chống lại áp lực cao ở thành mạch, dẫn đến phì đại thất trái, các sợi cơ tim dần dày lên, tăng thời gian co bóp, cuối cùng dẫn đến suy tim.
* Trên chuyển hóa:
– Khi mỡ trong máu tăng cao (mỡ máu cao) hay tăng Insulin kèm thêm bệnh huyết áp cao có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.
Tại sao thời tiết nắng nóng người bệnh huyết áp cao rất dễ bị tăng huyết áp đột ngột?
Thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao, và cơ thể mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông cầm máu và gây đột quỵ. Trời càng nóng chúng ta để điều hòa ở nhiệt độ càng thấp, ra khỏi môi trường điều hòa chênh lệch nhiệt độ dễ dẫn đến sốc nhiệt và biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Đặc biệt đối với những người cao huyết áp, áp lực của máu lên thành mạch thường xuyên ở mức cao sẽ làm mạch máu suy yếu, động mạch có thể phình to rồi vỡ ra, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não rất nguy hiểm. Trong khi đó, thành mạch suy yếu cũng sẽ tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ. Khi chúng bong ra có thể kết hợp với tiểu cầu trong máu tạo thành cục máu đông gây nên đột quỵ.
Chế độ dinh dưỡng, luyện tập ở người huyết áp cao cần lưu ý điều gì?
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng: tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ rất tốt cho tim mạch. Muốn đạt lợi ích thật sự cho tim mạch, cần phải đi hơi nhanh, khi thấy ra mồ hôi sâm sấp và hơi thở gấp một chút là tốt.
- Chạy chậm là môn luyện tập rất tốt cho người có huyết áp tăng cao. Khi bắt đầu, bạn hãy chạy thật chậm, sau đó, nhanh dần lên. Và khi thấy chớm mệt thì chạy chậm dần lại, rồi chuyển sang đi bộ trước khi kết thúc buổi tập.
- Bóng bàn, cầu lông là những môn thể thao nhẹ nhàng, an toàn với người bệnh.
- Dưỡng sinh, Yoga: các môn này tác động đến hoạt động thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch cho nên có tác dụng tốt đến sức khỏe.
- Đi thang bộ thay vì đi thang máy.
- Dừng lại ở trạm xe bus cách điểm đến 1 hoặc 2 trạm và đi bộ trong quãng đường còn lại.
- Đi xe đạp, tập nhảy.
- Với chế độ dinh dưỡng cho người bệnh huyết áp cao nên bổ sung:
- Chế biến món ăn dưới dạng hấp, luộc.
- Uống nhiều nước (2-3 lít nước/ngày).
- Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho sức khỏe tim mạch của bạn. Theo một nghiên cứu giảm (7,7kg) sẽ giảm HA tâm thu xuống 8,5mmHg và HA tâm trương 6,5mmHg.
- Bổ sung thực phẩm giàu Kali có nhiều trong rau quả như khoai và đậu đỗ, rau dền, dưa chuột, bắp cải, súp lơ, su hào, carot, xà lách, đậu cove, giá đỗ, cải xoong, cà chua, cam ,chanh, chuối, mận, mơ, dưa hấu.
- Bổ sung thức ăn có nhiều Canxi: Sữa tách bơ, và các chế phẩm của sữa là nguồn cung cấp canxi.
- Nên ăn những thịt có chứa ít chất béo như: thịt bò nạc, thịt gà nạc, thịt thăn lợn, cá nạc,…
- Nên ăn dầu thực vật chế từ đậu nành, lạc, vừng để thay thế mỡ động vật.